Thành lập đội bóng trong ... 20 ngày
Nhà tân vô địch này gắn trực tiếp với cái tên Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, một ông bầu đúng nghĩa duy nhất của môn bóng chuyền.
Sau 2 năm tài trợ cho Quân khu 5 thắng ít thua nhiều, đầu năm 2011, ông Pháp đã gây sốc khi thành lập đội bóng của riêng doanh nghiệp mình: Đức Long Gia Lai (ĐLGL). Chỉ trong vòng 20 ngày kể từ khi quyết định, ông đã đưa về Pleiku nguyên một đội hình hùng hậu, với “đầu tàu” là cựu HLV trưởng ĐTQG Bùi Quang Ngọc, người từng dẫn dắt CLB Thể Công 5 lần vô địch quốc gia.
Tất nhiên để làm được điều đó, ông đã phải bỏ ra số tiền khổng lồ, riêng đợt đầu đã là hơn 10 tỷ đồng. Tuy chưa “khủng” như bây giờ song ngay khi ấy, ĐL GL đã có lực lượng mạnh không thua kém gì các đội hàng đầu, như: Ninh Bình, Biên phòng, Khánh Hòa, Thể Công…
CLB Đức Long Gia Lai trong ngày “vinh quy bái tổ”
Ông Pháp còn khiến tất cả phải kinh ngạc, thậm chí bị nhiều người cho là “ngông” vì còn đền bù hợp đồng cho một CLB ở tận khu vực Trung Đông, đồng thời trả tiền lót tay cao chót vót để mang về chủ công số 1 khu vực Đông Nam Á, đội trưởng ĐTQG Thái Lan Wanchai. Mức lương tháng của ngôi sao này khi đó là 6.000 USD, theo một bản hợp đồng có thời hạn 5 năm.
Chưa hết, với tham vọng về một “thế lực mới”, ông Pháp còn quyết tâm sở hữu chủ công hay nhất nước, Hữu Hà. Cũng chính vì thương vụ có phần lách luật đó đã khiến ông tốn rất nhiều công của.
Chỉ riêng tiền lót tay cho Hữu Hà đã là 3,5 tỷ đồng, chưa kể trả lương 20 triệu đồng/tháng cả năm trời khi Hữu Hà phải “ngồi chơi xơi nước”. Rốt cuộc, Ninh Bình đã giải quyết cho Hữu Hà ra đi, đổi lại ĐLGL phải đền bù 1 tỷ đồng.
Năm đầu hạng nhì, năm sau vô địch
Đội quân với cả một dàn sao, với trụ cột là Wanchai và Hữu Hà đã “làm mưa làm gió” giải hạng A năm 2011 để thăng hạng dự giải vô địch quốc gia ngay trong năm đầu tiên thành lập.
Có mặt ở giải đấu cao nhất, ĐLGL tiếp tục củng cố sức mạnh theo hướng chiều sâu, khi đầu tư tiền của mua thêm các tài năng trẻ ở các vị trí, nổi bật nhất với chủ công Văn Hạnh.
Đội bóng phố Núi trở thành điểm đến mơ ước của dân bóng chuyền, với mức lương thưởng cùng chế độ ăn nghỉ vượt trội so với mặt bằng chung. Tính riêng thu nhập hàng tháng, các cầu thủ ở đây cũng cao gấp 3 lần mức trung bình của cả nước, chưa tính một số trường hợp ngoại lệ.
Thật dễ hiểu, ngay năm đầu dự tranh giải vô địch quốc gia, họ đã được đánh giá là ứng viên hàng đầu. Thực tế, dù lối chơi còn thiếu sự gắn kết, ĐLGL cũng vào tới trận chung kết (thua ngược Ninh Bình với tỷ số 2/3) và nếu có thêm kinh nghiệm cộng một chút may mắn, đội bóng này đã có thể đăng quang.
Sang đến mùa bóng 2013, tham vọng lớn thể hiện qua số tiền đầu tư 50 tỷ đồng đã giúp đội bóng đạt tới điểm rơi, độ chín thực sự. Trong bối cảnh bóng chuyền Việt Nam nói không với cầu thủ ngoại, họ cũng là đội ít bị ảnh hưởng nhất (dù cũng bị thiệt vì mất Wan Chai).
ĐLGL đã thắng như chẻ tre, với một sức mạnh không thể cản nổi. Ở bán kết, họ đã phục thù thành công, hạ gục các nhà đương kim vô địch Ninh Bình chỉ sau 3 ván. Đến chung kết, thày trò HLV Bùi Quang Ngọc cũng nhanh chóng vượt qua Thể Công Binh đoàn 15 với tỷ số 3/1.
Với những gì đã và đang thể hiện, dự báo ĐLGL sẽ có khả năng ngự trị trên đỉnh cao bóng chuyền Việt Nam trong vài năm tới. Dù đã là một “thế lực” mới, song nếu dự định xây dựng một Học viện bóng chuyền chuyên đào tạo trẻ tại Pleiku của bầu Pháp thành hiện thực, ĐLGL có thể sớm trở thành trung tâm số 1 của làng bóng chuyền nam, giống “lò” Bộ Tư lệnh Thông tin ở giải nữ.