Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Đội bóng chuyền nữ Vietsovpetro giải thể, VĐV thất nghiệp hàng loạt

Từng giành hạng 3 tại giải bóng chuyền VĐQG 2013 nhưng Vietsovpetro bất ngờ giải thể, động thái khiến các VĐV của họ lâm vào cảnh bơ vơ, thất nghiệp
 
Trước đó, dù vẫn trong biên chế của Vietsovpetro nhưng các VĐV của đội bóng này vẫn bơ vơ không ai quản lý. Không được luyện tập thi đấu cùng với cuộc sống khó khăn đã khiến tuyển thủ Đinh Thị Trà Giang phải lên mạng xã hội cầu cứu.

Ngày hôm qua, lãnh đạo CLB Bia Sài Gòn-TBD đã tổ chức một buổi làm việc với lãnh đạo Vietsovpetro nhằm giải quyết dứt điểm việc chuyển giao đội bóng như đã thống nhất hồi tháng 11 năm ngoái.

Có lẽ, việc chuyển giao đội bóng có khúc mắc chính nằm ở Vietsovpetro, đơn vị đã không còn mặn mà với bóng chuyền. Bởi theo ông Trần Minh Khang, CLB Bia Sài Gòn-TBD sẵn sàng tiếp nhận các VĐV của Vietsovpetro nhưng không ai đến (thông báo luyện tập từ 14/2). CLB cũng đãi ngộ rất tốt với các VĐV, hỗ trợ tiền máy bay về quê ăn Tết và tiền ăn; ngoài ra họ cũng sẵn sàng nâng lương cho các VĐV (Trà Giang nhận 20 triệu/tháng, VĐV trẻ 3 triệu/tháng). Vậy, tiền có đến tay các VĐV như thư cầu cứu của Trà Giang!!?

Tuy nhiên, lẽ ra việc chuyển giao phải hoàn tất từ 1/1/2014 nhưng đáng tiếc lại không được phía Vietsovpetro thực hiện. Các VĐV cũng đã chủ động xin giải quyết hợp đồng từ trước Tết nhưng không được CLB đồng ý.

Và ở cuộc gặp hôm qua, một lần nữa các vấn đề khúc mắc từ trước lại không được giải quyết. Hai bên không thống nhất được các điều khoản trong hợp đồng nên việc chuyển giao không thành công. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch công đoàn Vietsovpetro và là người trực tiếp quản lý CLB Vietsovpetro đã tuyên bố chính thức giải thể đội bóng, qua đó chấm dứt hợp đồng với toàn bộ VĐV của cả đội.

Như vậy, Đinh Thị Trà Giang và các đồng đội đã được giải phóng và tự do đàm phán với các CLB khác. Tuy nhiên do lùm xùm xung quanh việc "cầu cứu trên Facebook" cùng với thất bại trong đàm phán chuyển giao, lãnh đạo CLB Bia Sài Gòn-TBD cũng sẽ không tiếp nhận Trà Giang và các đồng đội. Thậm chí, Bia SG-TBD cũng cân nhắc khả năng giải thể.

Như vậy, ngay từ đầu năm bóng chuyền đã liên tiếp đón nhận những tin không vui. Xuất phát từ lời cầu cứu của 1 VĐV mà dẫn đến có thể 2 đội bóng có thể giải thể. Ngày buồn cho bóng chuyền Việt Nam...

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Lịch thi đấu Giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV Bình Điền 2014

 Trân trọng giới thiệu Lịch thi đấu và tường thuật trực tiếp giải Bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV - Bình Điền 2014 diễn ra từ 3-11/3/2014

Giải bóng chuyền nữ quốc tế tranh Cup “VTV - Bình Điền” lần thứ VIII có sự tranh tài của 3 đội nước ngoài, 4 CLB hàng đầu VN và Tuyển trẻ quốc gia Việt Nam từ ngày 3-11/3/2014 tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh Đắc Nông. 8 đội thi đấu vòng tròn tính điểm và chọn 4 đội vào bán kết. Đội vô địch nhận 15.000 USD tiền thưởng, Á quân 8.000 USD và đội hạng Ba là 6.000 USD. Tổng giá trị giải thưởng: 34.500 USD.



LỊCH THI ĐẤU GIẢI BÓNG CHUYỀN NỮ QUỐC TẾ TRANH CÚP  “VTV – BÌNH ĐIỀN” LẦN THỨ VIII - 2014 


Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Không lương, không trợ cấp, VĐV bóng chuyền Vietsovpetro cầu cứu

VĐV bóng chuyền Đinh Thị Trà Giang, phụ công của ĐT nữ Việt Nam đã phải viết đơn cầu cứu sau nhiều tháng các thành viên Vietsovpetro không được trả lương

Hồi tháng 11, ông Đỗ Trung Thành - Chủ tịch CLB Bia Sài Gòn - TBD đã chính thức xác nhận rằng vụ chuyển giao đội bóng chuyền nữ Vietsovpetro về sát nhập với đội Bia Sài Gòn-Thái Bình Dương đã hoàn tất.

Cụ thể, ngày 31/12/2013 vừa qua là thời điểm mà lẽ ra 17 VĐV của đội Vietsovpetro chính thức được bàn giao cho CLB Bia Sài Gòn - TBD. Theo đó, cuộc chuyển giao không tốn một chi phí nào, đồng thời phía Vietsov Petro có thể tài trợ một phần kinh phí cho đội 1 hay 2 năm đầu.

Tường chừng các VĐV đã yên tâm luyện tập chuẩn bị cho mùa giải 2014. Thế nhưng sau 2 tháng rưỡi, các VĐV Vietsovpetro vẫn đang bơ vơ và gặp vô vàn những khó khăn trong sinh hoạt và luyện tập.

VĐV Đinh Thị Trà Giang cầu cứu cùng đồng đội

Không thể im lặng mãi, phụ công tuyển quốc gia Đinh Thị Trà Giang đã phải xin cầu cứu, nội dung bức thư như sau:

“Thân gửi chú Từ Thành Nghĩa!

Tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro cùng toàn thể công nhân viên chức của Vietsovpetro. Cháu là Trà Giang,cháu ở đội bóng chuyền nữ vietsovpetro. Cháu chưa được gặp chú bao giờ, cháu rất mong muốn đựơc nói chuyện với chú!

Chú ơi! Cháu không biết phải nói như thế nào và bắt đầu từ đâu, hiện tại cháu cùng các chị em đều bơ vơ ko biết công việc như thế nào. Vietsovpetro không giải quyết đơn xin nghỉ của cả đội, nói chuyển chúng cháu đi lên đội Bia Sài Gòn TBD.

Nhưng bây giờ chúng cháu đều tự lo ăn uống sinh hoạt, không tiền ăn, không tiền lương, không người quan tâm, không ai lo lắng. Đều ở ngoài bắc vào chú ạ! Cháu lớn nên cũng có tiền để ăn và sinh hoạt hằng ngày nhưng mấy em trẻ vào cũng không có nhiều tiền, hôm cháu đi ra ngoài về nhì thấy mấy đứa nấu mì ở bếp. Cháu hỏi sao không ra ngoài ăn, mấy đứa chỉ nói là bọn em 3 người gom vào được 26 nghìn đồng mua mỳ và được ít rau chị à.

Cháu không biết nói gì, nếu như chú và các bác, các cô, các chú, các anh, các chị có những người con, người cháu, người em như thế này mọi người sẽ nghĩ sao ạ. Chiều cháu chỉ biết mang hết đồ ăn ở phòng cháu cho các em, qua phòng nhìn mấy đứa kêu đói dù không phải chị ruột nhưng cháu thấy đau lòng lắm ạ.

Hôm sau, cháu đi chợ mua đồ về để mấy chị em nấu cơm ăn, nhưng mình cháu sao nuôi các em được (6 em). Hiện tại cháu không có lương, không có tiền ăn cháu dùng bằng tiền tích góp nhưng không có bao nhiêu vì cháu còn gia đình nữa.

Cháu mong khi những lời này của cháu được mọi người đọc và chia sẻ để đến chú, cháu xin chú hãy giải quyết cho chúng cháu được nghỉ hay ở đâu có công việc đừng bỏ mặc chúng cháu như thế này. Cháu không muốn đội tan rã, cháu rất thích ở đây.

Có thể mọi người nghĩ cháu thì đi đâu chẳng được, đấu cho đội nào cũng được nhưng vì cháu rất muốn tất cả đội được như trước. Nếu không cháu cũng không phải ở đây cùng mọi người tiết kiệm tiền để sống qua ngày như thế này, cháu gửi đến chú những gì cháu muốn nói.

Chú hãy cứu chúng cháu! Mọi người hãy giúp chúng cháu!”

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Chi 50 tỷ đoạt vô địch bóng chuyền

Lần đầu tiên một đội bóng Tây Nguyên giành danh hiệu vô địch bóng chuyền quốc gia. Đức Long Gia Lai cũng chính là CLB duy nhất của một doanh nghiệp (lại là doanh nghiệp tư nhân). Để có chức vô địch chỉ sau 3 năm thành lập, họ đã bỏ ra một số tiền đầu tư kỷ lục lên tới 50 tỷ đồng.


Thành lập đội bóng trong ... 20 ngày

Nhà tân vô địch này gắn trực tiếp với cái tên Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, một ông bầu đúng nghĩa duy nhất của môn bóng chuyền.

Sau 2 năm tài trợ cho Quân khu 5 thắng ít thua nhiều, đầu năm 2011, ông Pháp đã gây sốc khi thành lập đội bóng của riêng doanh nghiệp mình: Đức Long Gia Lai (ĐLGL). Chỉ trong vòng 20 ngày kể từ khi quyết định, ông đã đưa về Pleiku nguyên một đội hình hùng hậu, với “đầu tàu” là cựu HLV trưởng ĐTQG Bùi Quang Ngọc, người từng dẫn dắt CLB Thể Công 5 lần vô địch quốc gia.

Tất nhiên để làm được điều đó, ông đã phải bỏ ra số tiền khổng lồ, riêng đợt đầu đã là hơn 10 tỷ đồng. Tuy chưa “khủng” như bây giờ song ngay khi ấy, ĐL GL đã có lực lượng mạnh không thua kém gì các đội hàng đầu, như: Ninh Bình, Biên phòng, Khánh Hòa, Thể Công…

Ông Pháp còn khiến tất cả phải kinh ngạc, thậm chí bị nhiều người cho là “ngông” vì còn đền bù hợp đồng cho một CLB ở tận khu vực Trung Đông, đồng thời trả tiền lót tay cao chót vót để mang về chủ công số 1 khu vực Đông Nam Á, đội trưởng ĐTQG Thái Lan Wanchai. Mức lương tháng của ngôi sao này khi đó là 6.000 USD, theo một bản hợp đồng có thời hạn 5 năm.

Chưa hết, với tham vọng về một “thế lực mới”, ông Pháp còn quyết tâm sở hữu chủ công hay nhất nước, Hữu Hà. Cũng chính vì thương vụ có phần lách luật đó đã khiến ông tốn rất nhiều công của.

Chỉ riêng tiền lót tay cho Hữu Hà đã là 3,5 tỷ đồng, chưa kể trả lương 20 triệu đồng/tháng cả năm trời khi Hữu Hà phải “ngồi chơi xơi nước”. Rốt cuộc, Ninh Bình đã giải quyết cho Hữu Hà ra đi, đổi lại ĐLGL phải đền bù 1 tỷ đồng.

Đội quân với cả một dàn sao, với trụ cột là Wanchai và Hữu Hà đã “làm mưa làm gió” giải hạng A năm 2011 để thăng hạng dự giải vô địch quốc gia ngay trong năm đầu tiên thành lập.

Có mặt ở giải đấu cao nhất, ĐLGL tiếp tục củng cố sức mạnh theo hướng chiều sâu, khi đầu tư tiền của mua thêm các tài năng trẻ ở các vị trí, nổi bật nhất với chủ công Văn Hạnh.

Đội bóng phố Núi trở thành điểm đến mơ ước của dân bóng chuyền, với mức lương thưởng cùng chế độ ăn nghỉ vượt trội so với mặt bằng chung. Tính riêng thu nhập hàng tháng, các cầu thủ ở đây cũng cao gấp 3 lần mức trung bình của cả nước, chưa tính một số trường hợp ngoại lệ.

Thật dễ hiểu, ngay năm đầu dự tranh giải vô địch quốc gia, họ đã được đánh giá là ứng viên hàng đầu. Thực tế, dù lối chơi còn thiếu sự gắn kết, ĐLGL cũng vào tới trận chung kết (thua ngược Ninh Bình với tỷ số 2/3) và nếu có thêm kinh nghiệm cộng một chút may mắn, đội bóng này đã có thể đăng quang.

Sang đến mùa bóng 2013, tham vọng lớn thể hiện qua số tiền đầu tư 50 tỷ đồng đã giúp đội bóng đạt tới điểm rơi, độ chín thực sự. Trong bối cảnh bóng chuyền Việt Nam nói không với cầu thủ ngoại, họ cũng là đội ít bị ảnh hưởng nhất (dù cũng bị thiệt vì mất Wan Chai).

ĐLGL đã thắng như chẻ tre, với một sức mạnh không thể cản nổi. Ở bán kết, họ đã phục thù thành công, hạ gục các nhà đương kim vô địch Ninh Bình chỉ sau 3 ván. Đến chung kết, thày trò HLV Bùi Quang Ngọc cũng nhanh chóng vượt qua Thể Công Binh đoàn 15 với tỷ số 3/1.

Với những gì đã và đang thể hiện, dự báo ĐLGL sẽ có khả năng ngự trị trên đỉnh cao bóng chuyền Việt Nam trong vài năm tới. Dù đã là một “thế lực” mới, song nếu dự định xây dựng một Học viện bóng chuyền chuyên đào tạo trẻ tại Pleiku của bầu Pháp thành hiện thực, ĐLGL có thể sớm trở thành trung tâm số 1 của làng bóng chuyền nam, giống “lò” Bộ Tư lệnh Thông tin ở giải nữ.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam: Tháng 4 mới đại hội!

Những tưởng Đại hội Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ 6 (2014-2019) sẽ sớm tổ chức trước tết thì đã không được. Hôm qua 15-1, VFV đã tổ chức cuộc họp thường vụ ban chấp hành. Đây được xem như cuộc họp thường vụ cuối cùng của nhiệm kỳ 5 trước khi đại hội nhiệm kỳ mới diễn ra.


Xung quanh vấn đề nhân sự và thời điểm tổ chức đại hội được quan tâm nhất. Theo tìm hiểu, các ủy viên VFV thống nhất rằng hạn chót là tháng 6 năm nay thì đại hội nhiệm kỳ mới phải diễn ra và tránh không để dằng dai lâu được.

Còn nhớ, hồi tháng 5 năm 2013 tại Hà Nội, Tổng thư ký VFV Trần Đức Phấn trao đổi với báo chí rằng “Đầu tháng 6, chúng tôi cùng các bộ phận của Liên đoàn sẽ tiến hành họp thường vụ để rà soát công tác nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội.Hiện VFV vẫn chưa có nhân sự chủ tịch. Nhưng dù thế nào chúng tôi cũng quyết tâm sẽ tổ chức Đại hội trước thời gian diễn ra SEA Games 2013. Thậm chí, nếu có nhân sự Chủ tịch thì VFV sẽ Đại hội ngay sau khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức Đại hội vào tháng 6 tới”.


Đáng tiếc, sau đó cả VFF và VFV đều chưa thể tổ chức và hoãn thời gian. Lúc này đã là cận tết Nguyên đán 2014 và coi như không kịp thời gian cho việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ. Mọi chuyện sẽ là sau tết. Một trong những động thái để đẩy nhanh tiến độ cho Đại hội Liên đoàn bóng chuyền nhiệm kỳ mới sớm diễn ra (là nguyện vọng chung của làng bóng chuyền quốc nội Việt Nam) là VFV đã phát tài liệu dự kiến về nhiệm kỳ mới cho ủy viên ở cuộc họp hôm qua.

Trong đó, sự tò mò về nhân sự các vị trí chủ chốt như Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký còn trong bí mật. Các ý kiến đồng nhất tại cuộc họp hôm qua là đưa ra các tiêu chí ở từng vị trí sao cho chọn được người tốt nhất. Trước đó, Tổng thư ký đương nhiệm Trần Đức Phấn cho biết đã xin rút khỏi cương vị nhưng sau nhiều lần chưa có người thay thế, Tổng cục TDTT yêu cầu vẫn giữ nguyên hiện tại cho tới khi Đại hội nhiệm kỳ 6 diễn ra.

Đây là vị trí được quan tâm và gặp “sóng gió” nhiều nhất tại nhiệm kỳ 5. Người trong nghề vẫn muốn con người mới là dân bóng chuyền có uy tín, trình độ và sự quảng giao rộng rãi nhưng 2 năm tìm kiếm chưa ai đủ tiêu chuẩn.

Về nhân sự vị trí Chủ tịch, chắc chắn ông Lê Minh Hồng (Chủ tịch nhiệm kỳ 5) sẽ xin rút. Ông Hồng đang là Phó tổng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN. Sau một nhiệm kỳ hoạt động, vị Chủ tịch đã bày tỏ không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ thêm nhiệm kỳ kế tiếp do bận quá nhiều công việc của ngành dầu khí.

Chủ tịch nhiệm kỳ 6 đã được lựa chọn và gần như chắc chắn là một Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng tại Việt Nam đã song hành cùng bóng chuyền nhiều năm gần đây.

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Điểm tựa của bóng chuyền TPHCM

CÓ thời điểm bóng chuyền TPHCM tưởng chừng như đã bị xóa sổ ở sân chơi đỉnh cao. Thế nhưng với sự nhiệt tình của lãnh đạo Sở VH-TT&DL, Trung tâm TDTT Phú Nhuận và nhà tài trợ Maseco cùng với quyết tâm của các vận động viên, nay bóng chuyền thành phố đã thực sự hồi sinh. Điểm tựa của đội bóng chính là Mạnh Thường Quân Maseco. Trước mùa giải mới, ông Nguyễn Xuân Hàn - Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) - chia sẻ: “Cách đây ba năm, khi đó bóng chuyền TPHCM đang ở giai đoạn khó khăn khi phải xuống hạng, sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, thiếu chút nữa đội bóng chuyền thành phố đã phải giải tán. Vào thời điểm ấy, chúng tôi được lãnh đạo Sở VH-TT&DL, 

Trung tâm TDTT Phú Nhuận đặt vấn đề tài trợ để cùng chung tay góp sức đưa đội bóng chuyền thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn. Chúng tôi đã nhận lời. Và hiện nay tôi có thể khẳng định CLB Maseco TPHCM là một đội bóng mạnh. Nhất là khi đội bóng đã và đang được sự quan tâm nhiều từ các cấp và người hâm mộ. Chúng tôi tiếp tục đầu tư cho đội bóng để tăng cường HLV ngoại, chuyển nhượng các cầu thủ chất lượng về đội, rót kinh phí để đội có nhiều chuyến tập huấn nước ngoài, thi đấu các giải trong nước và tổ chức các giải bóng chuyền TPHCM mở rộng... Việc có được HCĐ ở mùa bóng vừa qua, chính là động lực để bóng chuyền thành phố hướng tới mục tiêu cao hơn”.


Đội bóng chuyền Maseco TPHCM

Tại buổi họp tổng kết mới đây, Công ty Maseco đã chứng minh sự gắn bó lâu dài với bóng chuyền TPHCM bằng quyết định tiếp tục đầu tư 15 tỷ đồng, gấp ba lần so với hợp đồng ba năm trước đây vừa kết thúc. Đây là tín hiệu khởi sắc để bóng chuyền nam TPHCM sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn tới.

Bóng chuyền nữ Việt Nam: Xây dựng lại tuyến trẻ bằng những viên gạch mới

Gần đây, cùng với sự ra đi của các trụ cột, sự chững lại của những tay đánh thành danh, vấn đề đào tạo trẻ cho bóng chuyền nữ cũng gặp nhiều khó khăn. Để rút ngắn khoảng cách với các đối thủ lớn trong châu lục, bóng chuyền nữ Việt Nam đang từng bước xây dựng lại tuyến trẻ bằng những viên gạch mới.


HLV phó Nguyễn Thị Hiền - một trong những người sống có tâm với bóng chuyền Việt Nam
Sau giải bóng chuyền CLB trẻ toàn quốc, đội tuyển trẻ nữ cũng được tập trung. Với việc quyết tâm giam 100% quân số không cho lên tuyển của Hà Nội và Thông tin LienViet PostBank, đội tuyển trẻ được thành lập chỉ với 8/16 VĐV. Không còn cách nào khác, buộc HLV phó Nguyễn Thị Hiền phải gọi thêm 8 VĐV khác bổ sung. Như vậy, đội tuyển trẻ gồm 16 VĐV đã được hình thành.
Ngoài công tác về chuyên môn, HLV Nguyễn Thị Hiền còn phải lo vấn đề tìm trường học, sinh hoạt đảm bảo cho cả 16 cô gái đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. Những cô gái tuyển trẻ Việt Nam sẽ tập chuyên môn vào 2 buổi sáng, chiều và sẽ có ô tô đưa đi, đón về học văn hóa vào buổi tối. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia người Trung Quốc và trợ lí Nguyễn Thị Hiền, với những bài tập chuyên biệt về thể lực và kỹ thuật, các cô gái tuyển trẻ Việt Nam đã có sự tiến bộ nhanh chóng.
Việc tăng cường cơ hội để các vận động viên trẻ thi đấu, cọ xát cũng được BHL đề ra nhằm cho các em rèn thêm kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu. Với chiến thắng 3-2 trước đội 1 Hà Nội, và 2 chiến thắng 3-0 và 3-1 trước đội trẻ ThongtinLienViet PostBank trong những trận đấu giao hữu, phần nào cũng khẳng định được sự tiến bộ nhanh về chuyên môn của các VĐV sau một thời gian ngắn tập trung đội tuyển.
HLV phó Nguyễn Thị Hiền cho biết: "Tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng có thể. Việc BHL đội tuyển làm tốt sẽ là tiền đề để các địa phương yên tâm gửi gắm VĐV lên tuyển. Tới đây đội tuyển bóng chuyền nữ trẻ Việt Nam sẽ tập trung được những VĐV xuất sắc nhất nhằm chuẩn bị cho một số giải đấu quan trọng trong thời gian tới... ”
Bắt đầu lại từ tuyến trẻ sẽ là bước đi đúng đắn nhằm tạo nên động lực để vực dậy bóng chuyền nữ Việt Nam trong thời gian tới. Đã qua thời các CLB vung tiền tranh nhau thuê cầu thủ ngoại, giai đoạn ngắn chỉ để đạt thành tích cao ở giải toàn quốc mà không coi trọng sự cống hiến của cầu thủ nội. Đã đến lúc bóng chuyền trẻ Việt Nam phải có một quá trình đầu tư lâu dài và sự chung tay ủng hộ từ nhiều phía cũng như các CLB. Đã đến lúc các CLB không vì lợi ích chung, cần phải có chế tài xử lý quyết liệt, có như vậy, bóng chuyền Việt Nam mới có thể sớm trở lại với vị trí vốn có của nó.